Bệnh viện Đa khoa Hà Đông: Phẫu thuật thành công u ruột non khổng lồ hiếm gặp

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông: Phẫu thuật thành công u ruột non khổng lồ hiếm gặp
Vừa qua, các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) đã phẫu thuật thành công một khối u ruột non khổng lồ hiếm gặp nặng gần 4kg cùng đoạn đại tràng trong ổ bụng, bệnh nhân sống với khối u ruột non suốt 4 năm đó là bệnh nhân N.T.H (52 tuổi, Nghĩa Hưng, Nam Định).
Bệnh nhân nhập Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng chướng bụng, đau khắp vùng bụng, nôn kéo dài, gây suy kiệt. Tiền sử bệnh lý ghi nhận bệnh nhân đã từng phẫu thuật cách đây 4 năm tại một Bệnh viện lớn trên địa bàn Thành phố Hà Nội nhưng do khối u to xâm lấn tiên lượng phẫu thuật khó khăn đã đóng lại bụng.
Sau khi ra viện, bệnh nhân thường xuyên bị đau bụng, nhiều đợt điều trị bán tắc ruột tại nhiều bệnh viên khác nhau nhưng cũng không có chỉ định phẫu thuật. Gần đây bệnh nhân đau bụng nhiều hơn, nôn kéo dài không giảm, người gầy dộc không ăn uống được. Gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thăm khám.
Qua thăm khám lâm sàng cho thấy tắc ruột hoàn toàn do u to xâm lấn chèn ép, bệnh nhân được chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT) ổ bụng, kết quả cho thấy khối u lớn tại ruột non kích thước khoảng 20cmx25cm xâm lấn gần hết ruột non chiếm toàn bộ ổ bụng gây tắc ruột cao. Bên cạnh đó, các xét nghiệm khác bệnh nhân còn bị thiếu máu mạn tính, tình trạng bệnh nhân suy kiệt, không ăn uống được do tắc ruột.
Các bác sĩ tiến hành hội chẩn và phẫu thuật để cứu bệnh nhân. Kíp phẫu thuật của Khoa Ngoại tiêu hóa gồm phẫu thuật viên chính là BS CKII. Bùi Đức Duy, phụ phẫu thuật Ths.BSNT Nguyễn Thị Đức, BS CKI Nguyễn Mạnh Tuấn, bác sĩ Ngô Văn Tiến và bác sĩ Khoa gây mê hồi sức Cao Đăng Lâm đã tiên lượng trước việc chỉ mở bụng để đưa một quai ruột ra làm hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân thoát tình trạng tắc ruột đã là rất khó khăn, tiên lượng lấy khối u gần như là không thể do kích thước quá lớn, nguy cơ mất nhiều máu trong mổ rất cao, khối u xâm lấn gần hết ruột non.
Phim chụp khối u khi bệnh nhân vào viện
Sau khi hội chẩn, các phẫu thuật viên quyết định sử dụng đường mở bụng trắng giữa trên dưới rốn rộng rãi. Khi mở bụng xong, khoang ổ bụng lộ ra với hình ảnh một khối u khổng lồ chiếm toàn bộ khoang ổ bụng, u xâm lấn gần toàn bộ ruột non chỉ còn khoảng 70cm ruột lại là 2 đoạn ruột không liền mạch, xấm lấn đại tràng trái, đẩy cao các tạng khác trong ổ bụng, gây tắc đoạn ruột non còn lại phía trên. Bề mặt khối u có rất nhiều mạch máu tăng sinh, tăng kích thước. Tiên lượng việc cắt khối u sẽ rất khó khăn.
Các phẫu thuật viên đã lần lượt giải phóng cắt khối u cùng các đoạn ruột non, đoạn đại tràng trái bị u xâm lấn. Khối u cùng đoạn đại tràng phải sau đó được đưa ra khỏi ổ bụng với kích thước 25x28cm, nặng 4 kg. Quá trình mổ mất khoảng 500ml máu. Bệnh nhân được phục hồi lưu thông tiêu hóa với 2 miệng nối ruột non một miệng nối đại tràng phải - ruột non kiểu bên bên, đóng đầu dưới đại tràng Sigma đưa đầu trên đại tràng trái ra làm hậu môn nhân tạo ( đo có 3 miệng nối bệnh nhân suy kiệt, gầy yếu nguy cơ xì rò tiêu hóa sau mổ nên kíp mổ không thực hiện miệng nối đại tràng- đại tràng, nếu tình tràng bệnh nhân tốt sau phẫu thuật có thể hẹn đóng lại hậu môn nhân tạo sau).
Khối u gist ruột non kèm đoạn đại tràng bị u xâm lấn vừa được cắt bỏ từ trong ổ bụng bệnh nhân
Hình ảnh: Khối u có kích thước lớn, khoảng 25 cm và nặng 4 kg
Sau phẫu thuật bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt, bồi phụ dinh dưỡng tích cực, 21 ngày sau bệnh nhân khỏe mạnh, ăn uống tốt và được ra viện.
Hình ảnh bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện
Bệnh nhân và gia đình vô cùng cảm kích và biết ơn trước trình độ chuyên môn, sự tận tình cứu chữa và chăm sóc của các bác sĩ Bệnh viện Đa Khoa Hà Đông đã giúp bệnh nhân vượt qua cửa tử. Dù trước đó gia đình và bệnh nhân đã đi nhiều nơi điều trị mà không cắt được khối u và xác định chờ chết.
BSCKII Bùi Đức Duy cho biết hiện tại tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định. Sau khoảng 3 tháng vào viện để đóng lại hậu môn nhân tạo.
Bác sĩ Duy cảnh báo nguy cơ từ U GIST và tầm quan trọng của chẩn đoán sớm. U GIST (Gastrointestinal Stromal Tumor) đường tiêu hóa là loại u hiếm gặp và có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. U GIST thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, đặc biệt là các khối u nhỏ. Bệnh nhân có thể phát hiện tình cờ qua các lần thăm khám hoặc phẫu thuật khác. Tuy nhiên, khi khối u phát triển lớn, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như đau bụng, đầy bụng, nôn ói, xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu, đi ngoài phân đen), thiếu máu, gầy sút cân. Nguy hiểm hơn, nếu khối u vỡ ra do tác động từ bên ngoài, bệnh nhân có thể gặp xuất huyết nội nghiêm trọng, đe dọa tính mạng.
Ngoài ra, khi u phát triển đến giai đoạn ác tính, có nguy cơ xâm lấn và di căn đến các cơ quan khác như gan, làm tăng nguy cơ tử vong.
Hiện nay, U GIST có thể được chẩn đoán qua các phương pháp hình ảnh học hiện đại như nội soi tầm soát, chụp cắt lớp vi tính (CT scan) và cộng hưởng từ (MRI). Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông khuyến cáo người dân nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ để tầm soát sớm các bệnh lý, trong đó có U GIST và ung thư đường tiêu hóa, nhằm tăng cường khả năng điều trị triệt căn và nâng cao chất lượng cuộc sống.